Buổi sáng 2-9, một ngày nghỉ chính thức giữa kì nghỉ bất đắc dĩ, công việc vẫn còn bộn bề nhưng có lẽ tôi sẽ “pause” lại một chút để viết lách, thư giãn. Nói về công việc, cuộc sống mãi cũng nhạt. Tôi sẽ viết về ông bà tôi – Ông bà Ngoại và bà Nội. Tôi muốn viết ra những gì tôi còn nhớ được cho đến bây giờ; để mai kia, khi ông bà không còn nữa, khi tôi cũng không còn đủ minh mẫn để nhớ lại những ngày tháng xa xưa ấy thì những trang viết này sẽ giúp tôi giữ mãi những kỉ niệm với ông bà.
Ngôi nhà tuổi thơ
Tôi sinh ra ở một thị trấn nhỏ ven đường quốc lộ. Tuổi thơ tôi gắn liền với ngôi nhà mái ngói ở cạnh một khu vườn của ông bà Ngoại. Thực ra thì bố mẹ tôi cũng có một ngôi nhà nhỏ trong xóm nhưng vì mẹ tôi bán hàng tạp hóa, còn bố thì đi công tác xa, cuối tuần mới về nên thường gửi tôi vào ông bà, đến tối hai mẹ con mới quay về nhà mình.
Tôi vẫn nhớ như in “layout” của ngôi nhà tuổi thơ ấy. Không giống như bây giờ, hồi đó dù ở mặt đường nhưng nhà lại quay lưng ra đường (chắc để tránh bụi). Bên hông trái có một lối vào khá rộng, có cánh cổng sắt đã han gỉ chẳng mấy khi đóng. Đi theo lối nhỏ là vào đến sân. Góc sân có một cây nhãn lớn, năm nào cũng sai trĩu quả. Sân gạch khá rộng, nằm giữa vườn và nhà. Ngôi nhà có bậc thềm, có phòng khách, có gian buồng rồi gian bếp. So với hàng xóm xung quanh, nhà ông bà tôi hồi đó “có điều kiện” hơn – đấy là tôi thấy mọi người nói chuyện thế chứ thực ra một thằng bé bốn năm tuổi cũng chả hiểu có điều kiện là như thế nào. Nhưng tôi thấy nhà ông bà có nhiều thứ hay ho. Nhà có TV, có đài quay đĩa, có xe máy và có … súng bắn chim. Một cây mít to ngăn cách khu sân gạch với sân giếng và khu bếp. Và đặc biệt, gốc cây mít ấy có một con cò. Ông tôi bảo nó là con cò ruồi. Nó đi quanh quẩn quanh gốc mít để mổ ruồi nhưng chắc đó chỉ là “snack” nhẹ nhàng vì tôi thấy có một chậu nước bên cạnh, thỉnh thoảng lại có vài con cá nhỏ để nó thưởng thức.
Khu vườn nhà ông bà Ngoại có lẽ sẽ là khu sinh thái đẹp đẽ nhất mà tôi được khám phá. Nó cũng không rộng lắm nhưng với tôi lúc đó, khu vườn là cả thế giới. Đường ra vườn thẳng từ cổng vào, qua sân là đến. Vườn được ngăn cách bằng bước tường hoa thâm thấp thôi. Cạnh cổng vườn có một cây tường vi cao và nhiều hoa. Nghe nói bố mẹ tôi hồi còn “tán tỉnh” nhau hay đứng chỗ gốc cây tường vi ấy. Lúc đó, tôi chắc bận gì nên không mục sở thị được (?!). Nhưng tôi rất thích hoa tường vi. Màu hoa hồng nhạt, mùi hơi hăng hắc lạ lạ. Có lẽ cũng vì màu hoa ấy gắn với tuổi thơ nên thành ra thấy quen thuộc và yêu thích. Đi qua gốc tường vi và bụi đinh lăng là vào vườn. Vườn chả có gì! Bốn góc vườn có 4 cây hồng xiêm to tướng, tạo thành 4 cái trụ xòe lá che kín mít. Thế nên tôi mới nói vườn chả có gì, ngoài lá khô rụng xuống và một cây xoài cao vút vượt lên trên tán lá của hồng xiêm. Nhưng tôi cũng chỉ cần có thế, cần một khu vườn rợp bóng mát để tôi chơi cả ngày không chán. Ông bà tôi có 5 người con, mẹ tôi là cả. Hai cậu sau mẹ sớm đi làm xa nhà, chỉ còn dì và cậu út hay ở nhà và chơi với tôi. Dì lớn thì cũng bận học nên cậu út chơi với tôi nhiều nhất. Cậu và khu vườn đã trở thành một phần lớn tuổi thơ của tôi. Trèo cây, hái quả, câu cá, nằm võng, bẫy chim, làm diều… Đến giờ, tôi không quên bất cứ một trò chơi nào mà cậu bày cho tôi. Nhưng chắc viết tạm như vậy đã vì trong bài này, tôi muốn ghi lại những hình ảnh của ông bà Ngoại.
Ông bà Ngoại
Tôi là đứa cháu đầu tiên của ông bà vì mẹ tôi là cả, lại lấy chồng sớm – cô dâu 18 tuổi, nên tôi có nhiều thời gian ở với ông bà nhất trong các cháu. Lúc nhỏ xíu thì tôi không nhớ, thấy mọi người hay kể là chỉ có ông ngoại đút bột thì tôi tập trung ăn nhất, còn đâu sẽ phì ra hết. Tôi bắt đầu nhớ được các việc từ lúc khoảng 4 tuổi. Hàng ngày, ông chăm sóc tôi từ miếng ăn, giấc ngủ. Hồi đó tôi rất …còi nên ông thường nghĩ ra các món lạ lạ để tôi ăn ngon miệng. Quả trứng vịt được đục một lỗ nhỏ, nhồi thịt, hành vào rồi hấp cùng cơm. Lúc bóc ra còn nguyên hình quả trứng. Tôi hỏi là món gì đây thì ông bảo là món “Trứng ngựa”. Còn vài món nữa cũng rất ngon và thú vị. Nhưng có lẽ với tôi, món ăn đã đi sâu vào tiềm thức đấy là đĩa cơm rang trứng. Tôi nhớ từng động tác ông thái hành, đảo mỡ, đảo cơm… rồi vét cơm ra đĩa. Mọi thứ ngon thơm, hoàn hảo đến mức giờ tôi cũng chưa thấy một đĩa cơm nào có vị ngon như vậy. Cách đây chục năm, khi tôi học đại học rồi, một lần về thăm ông, tôi đã nhờ ông rang cho tôi một đĩa cơm “ngày xưa”. Tôi đã rơi nước mắt lúc nghĩ về đĩa cơm ấy khi biết rằng đó là lần cuối cùng được ông rang cơm cho ăn. Vì sau đó ông bị tai biến và không còn rang được cơm cho tôi nữa. Giờ đây, cách tuần tôi đều rang cơm cho các con ăn sáng. Tôi cố gắng làm giống hệt như ông đã rang cho tôi. Các con tôi cũng khen ngon nhưng tôi không biết vị ngon ấy có giống như tôi cảm thấy trước kia không… Hơn ba mươi năm, điều tôi nhận ra là ông chưa bao giờ từ chối tôi bất cứ điều gì… Bất cứ một điều gì!
Lúc tôi nhỏ thì bà ngoại đã về hưu. Bà có một quán hàng nước và dụng cụ kim khí ở mặt đường 5, cách nhà khoảng nửa cây. Khu cửa hàng đó cũng gắn chặt với tuổi thơ tôi vì mẹ tôi cũng có một gian hàng bách hóa ở đó. Ngoài những lúc ở nhà với ông Ngoại, tôi sẽ ra cửa hàng của mẹ và bà, lang thang, tha thẩn với những món hàng hay ho. Hàng ngày, buổi sáng bà sẽ sang chợ qua bên kia đường 5 để mua đồ ăn rồi gửi ai đó hoặc ông sẽ ra lấy đồ về để nấu cơm cả ngày. Tôi thường ngồi cạnh bà, nghe bà kể chuyện khi không có khách mua hàng. Những chuyện ngày xưa, ngày nay bà kể, có chuyện tôi nhớ, có chuyện tôi quên. Bà có một tuổi thơ vất vả vì mẹ mất sớm, còn phải chăm cho các em. Sau này, khi lấy ông Ngoại, lần lượt sinh 5 người con, nuôi nấng trưởng thành… thì cũng là lúc về già. Bà Ngoại rất thương các cháu. Chiều chiều, nếu ở cửa hàng kiểu gì bà cũng pha cho tôi một cốc nước chanh để uống tỉnh ngủ. Lúc tôi đi học lớp 1, khi nào được điểm 10, bà đều thưởng cho một cái bánh dừa. Cái bánh hình tròn, kết bằng sợi dừa khô có nhân ở giữa. Tôi đã tìm lại loại bánh ấy nhưng hình như không còn nữa. Bà thương tôi nhưng cũng rất nghiêm khắc. Tôi vẫn nhớ như in, có một lần tôi đi cùng bà nhưng khi chuẩn bị qua đường để sang nhà cậu thứ 2 thì lại không chờ bà dắt mà tự ý chạy vụt sang. Hình như lúc đó cũng có xe đang lao tới. Tôi không sao, I am ok, nhưng bà đã phát cho một cái thật mạnh vào mông. Bà bảo phát đau cho nhớ để lần sau không như thế. Đó cũng là lần đầu tiên bà đánh tôi nhưng cũng lần cuối cùng vì sau này tôi cũng không làm gì để bà phải bận lòng nữa. Hình ảnh tôi ghi nhớ nhất của bà là một người phụ nữ nhỏ bé, nhảy lên chiếc xe đạp cũ sờn nước sơn, hai bên ghi đông treo hai phích nước. Hình ảnh ấy cứ lặp đi lặp lại, sáng đi, tối về dù mưa hay nắng. Nó trở nên thân thuộc suốt cả tuổi thơ cho đến khi tôi xa quê, không còn được thấy hàng ngày nữa. Chợt nhận ra rằng rồi đến một ngày bà cũng sẽ không còn đạp xe được nữa, không còn phát vào mông mình được nữa…
Điều còn mãi
Tuổi thơ tôi cứ ở bên ông bà Ngoại như thế. Rồi khi đến tuổi đi học, tôi theo bố mẹ lên thành phố và lớn lên từng ngày bên bà Nội. Những tháng ngày ấy tôi sẽ chắt góp để viết lại trong một bài tiếp sau. Ngồi nghĩ và viết miên man về những kí ức tuổi thơ, chợt nghĩ rằng rồi ngày ấy cũng sẽ đến nhưng tôi vẫn thầm mong nó đừng đến sớm. Thời gian cứ trôi đi nhưng hãy chầm chậm thôi để những người ta yêu thương, những bà tiên ông bụt trong kí ức ta sẽ còn mãi trong tâm tưởng, trong cuộc sống và hơi thở hàng ngày…
Hà Nội, ngày 02 tháng 09 năm 2021.