Trước khi các bạn đọc tiếp bài này, tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng tiêu đề của bài viết gần như chẳng liên quan gì đến nội dung tôi định viết sau đây. Tôi muốn viết về sự cân bằng trong cuộc sống nhưng không hiểu sao lại thấy rất hứng thú với tựa đề Đêm thành phố và sẽ cứ để nguyên như vậy…

Có lần tình cờ xem trên Youtube một clip ngắn nói về sự lo lắng trong cuộc sống, tôi thấy rất ý nghĩa và thấm thía. Một ông thầy giáo hỏi các sinh viên của mình: Cốc nước này nặng hay nhẹ? Rất nhiều câu trả lời được đưa ra, hầu hết hướng đến trọng lượng tuyệt đối của cốc nước nhỏ. Nhưng câu trả lời của ông thầy đã khiến tất cả cùng im lặng. Cốc nước ấy nặng hay nhẹ phụ thuộc vào thời gian các em cầm nó trên tay. Nếu chỉ cầm vài phút, cốc nước thật nhẹ. Nếu giữ nó một giờ, nó không còn nhẹ nữa. Còn em cầm cốc nước cả buổi sáng, cánh tay em sẽ đau nhức khiến em chẳng thể làm được việc gì khác. Điều đó giống hệt như những nỗi lo lắng trong cuốc sống mà ta hay nghĩ đến. Đôi khi ta lướt qua nó, mọi thứ sẽ vẫn ổn nhưng nếu ta chỉ tập trung vào nó, những nỗi lo lắng ấy rất có thể sẽ phá hỏng cuộc sống của ta không chừng. Chính thế nên ta rất cần giữ được sự cân bằng để có thể trải nghiệm cuộc sống theo đúng nghĩa của nó – để tận hưởng (enjoy) chứ không phải để chịu đựng (suffer).

Tôi đã từng là một người hay lo lắng. Khi còn đi học thì hay suy nghĩ và lo lắng về việc học hành. Ngày mai kiểm tra đầu giờ môn này, tuần sau kiểm tra một tiết môn kia, bài môn toán hôm qua làm sai kết quả… Đến khi đi làm, nhiều khi chỉ một vấn đề phát sinh trong dự án có thể làm tôi không thể tập trung làm các việc khác, chỉ nghĩ đến nó và … lo lắng. Tôi luôn bị ngập chìm trong những mớ bòng bong mà tôi tự tưởng tượng ra. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng vậy nhưng cũng khá thường xuyên rơi vào trạng thái đó. Tệ hơn nữa, khi ở trong trạng thái đó, người ta lại rất dễ cáu gắt và không làm chủ được cảm xúc. May thay, sau vài năm, dường như tôi đã tìm ra cách để tự thoát ra khỏi trạng thái tâm lý ấy, khi tôi có thể khoanh vùng suy nghĩ của mình bằng những tấm kính trong tiềm thức – hình ảnh này tôi mượn từ cuốn sách “Quẳng gánh lo đi và vui sống”. Khi cảm thấy mình bắt đầu lo lắng về điều gì đó không đúng lúc, tôi tự nói với chính mình: Nghe này, điều mình đang suy nghĩ và lo lắng thuộc về vấn đề công việc. Tất cả mọi thứ liên quan đến công việc nó sẽ chiếm khoảng ¼ thời gian trong cuộc đời thôi. ¾ còn lại là gia đình, quan hệ xã hội và bản thân. Không thể để một vấn đề chỉ thuộc một phần nhỏ trong ¼ ấy làm hỏng cả cuộc sống này được. Hãy để dành nó cho lúc làm việc. Tệ nhất, nếu cái vấn đề ấy có ảnh hưởng đến toàn bộ ¼ kia thì mình vẫn còn tới ¾ “chiếc bánh” mà.

Và thực tế, cách nghĩ như vậy giúp tôi rất nhiều. Tôi không mang những vấn đề của công việc về nhà; tôi không đem những câu chuyện của gia đình đến văn phòng và cũng không nghĩ ngợi bất kì một vấn đề gì trước khi bước vào giấc ngủ. Không chắc chắn lắm nhưng tôi nghĩ sẽ có một số ít (hoặc nhiều – có lẽ) người cũng từng rơi vào tình trạng như tôi trước đây. Và cũng rất có thể, đó là nguyên nhân của căn bệnh trầm cảm – căn bệnh của cuộc sống hiện đại khi có quá nhiều vấn đề khiến người ta phải lo lắng và không thể tự thoát ra khỏi những suy nghĩ ấy.

Quay trở lại với cái tựa đề – Đêm thành phố, tự nhiên, tôi lại thấy có chút liên quan. Khi màn đêm lan toả, những ánh đèn le lói như đang cố vớt vát lại những sôi động của buổi ngày trước đó nhưng đâu có nghĩa lý gì đâu. Đêm là nghỉ, là ngủ, là mộng mơ…những việc khác, hãy chờ đến khi ánh sáng quay lại.

Hà Nội, ngày 07 tháng 3 năm 2022