Buổi tối chớm hè, ngồi nhấm nháp cốc trà và nghe câu chuyện về sự.. vô ơn, chợt muốn viết gì đó về lòng biết ơn, sự tử tế và những món nợ… nghĩa tình để lấy lại cân bằng.
Trước giờ tôi đi dạy học, chủ yếu tập trung vào kiến thức nhưng trước khi dạy môn gì đó, tôi đều nói với sinh viên của mình rằng: các em học gì cũng được, làm gì cũng được nhưng hãy cố gắng làm một người TỬ TẾ. Không khí lớp học lúc đó bao giờ cũng lắng lại một vài giây. Vài trăm ánh mắt hướng về chỗ tôi, thấy như gật gù, thấm lắm nhưng cũng có khi là ngơ ngác vì đang không hiểu hoặc không quan tâm. Sau đó tôi mới tiếp tục bài giảng của mình với đủ thứ lý thuyết, thực hành, định lý, định luật… Tôi đã từng rất tâm đắc với cái điểm nhấn về sự tử tế trước bài giảng như vậy nhưng rồi đến khi nghĩ lại tôi thấy tự buồn cười với lời nhắc nhở mơ hồ của mình. Vì rằng, bảo người ta hãy làm người tử tế nhưng chả nói rõ tử tế là như thế nào? Sống như thế nào thì được coi là tử tế? Những ánh mắt kia ngơ ngác là hoàn toàn có cơ sở!
Tôi nghĩ về điều này khá nhiều. Tôi rất muốn định nghĩa rõ ra cái khái niệm ấy để mình có thể giải thích cặn kẽ và lan toản nó đến những ánh mắt trong veo kia hay chính 3 đứa con đang lớn lên từng ngày của tôi. Nhưng đúng là không đơn giản vì nó rộng quá. Hãy làm nhiều việc tốt à? Hay đối xử tốt với mọi người xung quanh à? Vẫn không có gì là cụ thể cả và thực sự rất khó thực hiện cho trọn vẹn.
Thế rồi cuộc sống và công việc cứ đều đều diễn ra, nó giúp tôi nhận ra một điều rằng, mỗi khi ta nhận được sự giúp đỡ từ ai đó, ta sẽ thấy người đó thật tử tế. Vậy thì đúng rồi, hãy cứ giúp người khác thật nhiều thì sẽ được coi là tử tế. Phải không nhỉ? Có lẽ vậy. Nhưng có một cách nhanh hơn nữa để trở nên tử tế chính là việc ta biết ơn những người đã tử tế với ta. Lòng biết ơn khiến cho người ta có động lực để hướng thiện hơn bất cứ khẩu hiệu hô hào nào về sự tử tế.
Khi ta biết ơn sinh thành giáo dưỡng của cha mẹ, ta sẽ hiếu thảo.
Khi ta biết ơn người bạn đời sát cánh cùng ta từ gian khó, ta sẽ yêu thương trân trọng nhiều hơn.
Khi ta biết ơn người anh, người chị cho ta cơ hội để bước phía trước, ta sẽ tự biết phải cư xử cho phải phép.
Khi ta biết ơn ai đó chẳng quen đỡ ta dậy lúc ngã trên đường, ta sẽ không lỡ bước đi khi thấy người bị nạn.
Khi biết ơn đời mỗi sớm mai thức giấc, cho ta thêm một ngày để yêu thương, ta sẽ tự làm cuộc sống của mình đẹp hơn… (câu này đi mượn nhưng thấy hay nên vẫn cho vào).
Tôi nghĩ rằng lòng biết ơn chính là gốc rễ của sự tử tế. Tôi tự thấy mình là người tích cực, hay chính xác hơn là tôi hay nhìn vào mặt tích cực của sự việc, của những người quanh tôi. Điều đó làm tôi thấy cuộc sống nhẹ nhàng và dễ chịu hơn. Nhưng có một điều, sẽ không bao giờ có thể được chấp nhận hay “tích cực hoá” – sự vô ơn. Tôi đã chứng kiến rất nhiều cuộc tranh luận gay gắt, căng thẳng nhưng mọi việc đều có thể xử lý được trừ khi ai đó từ một trong hai phía kết luận rằng: đối phương là đồ vô ơn! Như vậy là kết thúc – sẽ không còn có cơ hội nào cho bên còn lại. Cái kết luận đó cực kì nặng nề và mang tính sát thương tuyệt đối vì khi ai đó đã là “kẻ vô ơn” thì cái mầm, cái gốc của sự tử tế đã không còn nữa, ít nhất là trong tiềm thức của bên đối diện.
Thế nên nếu có ánh mắt trong veo nào vô tình đọc được những dòng vẩn vơ này của ông thầy giáo, cũng không cần nghĩ nhiều quá đâu, chỉ cần nhờ rằng, đừng bao giờ là kẻ vô ơn. Thế là đủ rồi!
Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2023.