Tôi đã nghĩ nhiều việc các con sử dụng máy tính rồi công nghệ như thế nào cho phù hợp và hiệu quả khi thấy càng ngày, những thứ đó càng phổ biến và có sự ảnh hưởng càng mạnh mẽ đến cuộc sống… Đọc được một bài hướng dẫn khá hay, tôi “mông” lại cho phù hợp với trẻ con nhà mình để làm tài liệu tham khảo sau này.

Trước khi đi xa hơn, có một điều chúng ta cần làm rõ với nhau: Kĩ năng IT cơ bản khác với việc trẻ con nhà bạn dùng điện thoại, máy tính bảng hay laptop “nhoay nhoáy” để chơi game, xem youtube… Những thứ đó chỉ là một phần rất nhỏ thôi mà có khi chúng còn đang làm việc đó một cách rất bản năng, chưa đúng cách đâu. Những kĩ năng cơ bản này sẽ là cơ sở để sau này trẻ con hoàn toàn làm chủ được việc khai thác và tương tác với máy tính, công nghệ. Đại khái là không cần thiết phải là người học về công nghệ nhưng chúng sẽ tự lắp đặt máy in, cài lại Windows hay tháo lắp, vệ sinh chiếc máy tính của mình một cách thành thạo rồi tìm kiếm các hướng dẫn để làm các công việc khác… Tôi chia các kĩ năng này thành mấy nhóm như sau:

  • Nhóm đầu vào – tức là chuột, phím, màn hình cảm ứng và microfone (Bây giờ xịn ghê, ngày trước thì chỉ có 2 cái đầu thôi 😀 )
  • Nhóm ứng dụng/sản phẩm – Đây là mấy phần mềm cơ bản mà ai cũng cần
  • Nhóm tìm kiếm thông tin và Internet – Nói chung là hướng dẫn các “ông thần” làm sao search thông tin trên Internet một cách hiệu quả và quan trọng nhất là đừng click vào web đen.
  • Nhóm Coding – Nhóm này lập trình nhưng ở dạng thức đơn giản lắm. Chủ yếu để luyện tư duy logic chứ không phải để trở thành Lập trình viên đâu.

Sau đây tôi sẽ lan man vào từng nhóm xem nên dạy hay hướng dẫn trẻ con những gì. À quên, còn việc nữa trước khi bắt đầu – Trẻ mấy tuổi thì có thể dạy được những kĩ năng này? Đọc sách vở tài liệu, thấy các bác ấy bảo trẻ 3 tuổi là bắt đầu thấy tò mò và thích nghịch máy tính, điện thoại rồi, 4 tuổi là có thể tương tác.  Nhưng theo kinh nghiệm cá nhận, tôi thấy lúc cháu nó học mẫu giáo lớn thì bố mẹ hãy cho tiếp xúc mà chỉ dừng ở mức độ nhẹ nhàng, tương tác cơ bản thôi. Đừng để nó ngập sâu quá rồi thành nghiện ở tuổi lên 5. Nghiện là dở rồi!!! Con nhà tôi thì không cho dùng thiết bị các nhân trước 6 tuổi.  Youtube cho xem trên tivi, vừa dễ nhìn vừa giấu đi được những thứ “kì diệu” của điện thoại. Làm sao để chúng thấy là cái điện thoại ông bô hay cầm chả khác gì con ô-tô đồ chơi, chỉ dùng để chặn giấy, hay xếp hình – tí là chán.

Bây giờ đi vào việc chính, dạy gì cho trẻ theo 4 nhóm kĩ năng trên.

Nhóm đầu vào

Nhóm này vẫn là cơ bản nhất này. Làm quen với cách sử dụng chuột, phím để thao tác và gõ văn bản. Nó cũng giống như việc trẻ lớp 1 học cầm bút viết chữ thôi. Giới thiệu cho các con  sử dụng chuột: cờ-lích chuột, nháy đúp chuột, con trỏ chuột chạy như thế nào… đặt tay như thế nào cho đúng, đẹp và … chanh xả : )) Rồi bàn phím nữa, khu vực phím chữ, phím số và quan trọng là các cháu phải thuộc vị trí bẳng chữ cái để gõ cho nhanh. Tôi không dám chắc về việc gõ 10 ngón ở tầm tuổi này nhưng làm sao để các cháu thuộc vị trí chứ cái trên bàn phím rất quan trọng. Gần đây tôi quan sát cuộc thi tiếng Anh Volimpic của trẻ con, đa phần các cháu đạt điểm cao là do thao tác máy tính rất thành thạo, gõ nhanh chứ kiến thức thì không quá khó nên tôi tin là việc thuộc vị trí phím rất cần thiết. Note lại một số điểm cần hướng dẫn các cháu:

  • Mấy phím tắt, phím đặc biệt hay dùng: Enter, Shift, CTRL/CMD và phím Cách (space);
  • Cách sử dụng phím mũi tên;
  • Mấy lệnh cơ bản: CTRL + V, CTRL + C, CTRL + Z
  • Hover chuột và Click chuột
  • Nháy chuột phải và chuột trái
  • Điều khiển con trỏ chuột thành thạo (Kết hợp mắt nhìn, tay di…)

Tôi không khuyến khích dạy về phần cứng, tháo lắp máy giai đoạn này nhé. Các cháu nó tò mò, ở nhà ngồi nghịch là chết dở; hỏng máy thì không sợ nhưng giật điện như chơi nên cứ để chúng nó coi cái Case máy tính của mình là một thứ rất … nguy hiểm đã! Sau này dạy sau.

Nhóm ứng dụng/sản phẩm

Sau khi thành thạo các kĩ năng vỡ lòng kia thì bắt đầu hướng dẫn dùng mấy App cơ bản để thực hành. Với mỗi App, nên hướng dẫn kèm với bài tập nhỏ nhỏ để các cháu nó nghịch nhưng bố mẹ vẫn cần giám sát liên tục và cũng chỉ cho dùng không quá 30’ thôi. Nhắc lại, nghiện là dở rồi!

  • Bộ Office với MS Word, PowerPoint và Excel: Word thì dùng để các cháu gõ chứ và chèn hình cho vui, hai món còn lại ở trường rồi cũng sẽ dạy nên tuỳ đam mê của các cháu và độ “rảnh” của ông bà bô mà hướng dẫn thêm.
  • Công cụ vẽ – Paint huyền thoại: Cho các cháu vẽ, tô màu – món này giúp luyện tay chuột rất tốt và cho các cháu một cách tiếp cận khác về việc vẽ vời trên máy. Cơ sơ cho các thiên tài đa phương tiện tương lai =))
  • Phần mềm quản lý file và thư mục – chính là ông Windows File Explorer mình dùng hàng ngày á: Hướng dẫn các cháu các thao tác cơ bản như:
    • Kéo thả files
    • Tạo mới, đổi tên, xoá file hay thư mục
    • Tạo văn bản mới
    • In văn bản – cái này quan trọng này vì giờ các cô toàn gửi bài qua Zalo, hướng dẫn nó tự in, tự làm bài trước, mình về đến nhà chỉ kiểm tra thôi.

Có thể cho thực hành với… bàn phím hỏng 😀

Nhóm tìm kiếm thông tin và Internet

Nhóm này mới phức tạp này! Theo tôi thì tầm 8 tuổi trở lên là bắt đầu phải quan tâm và hướng dẫn các cháu cách sử dụng máy tính và Internet an toàn vì tầm tuổi này bắt đầu đọc viết thành thạo và có nhu cầu tự tìm kiếm thông tin. Vấn đề lớn nhất là những thông tin tạp nham, faked news và các trò câu view mất dạy. Vậy làm thế nào để trẻ nhận biết mấy thức này? Cực khó! Do đó, tôi nghĩ đến cách tiếp cận là dạy trẻ những nguồn và những dấu hiệu để nhìn nguồn uy tín. Giúp trẻ con quen thuộc với các nguồn uy tín và tạm coi tất cả các nguồn khác không nằm trong Whitelist đó là không đáng tin cậy. Blacklist quá nhiều nên dùng Whitelist sẽ hiệu quả hơn. Chi tiết như thế nào thì hơi dài dòng, các bác muốn tìm hiểu thì mình trao đổi thêm ở ngoài cùng được.

Cũng note lại vài lưu ý với nhóm này:

  • Với đội trẻ lớn (trên 8 tuổi), dạy về dấu hiệu nhận biết nguồn uy tín trên Internet;
  • Với đội lít nhít, ra một số luật khi sử dụng áp để tuân theo (đội này vẫn doạ được);
  • Dạy đội trẻ lớn về trách nhiệm và mức độ nghiêm trọng khi chia sẻ thông tin trên mạng (kiểu lấy mấy ví dụ về việc trẻ con bị bắt cóc, bị giả bố mẹ ntn khi chia sẻ hình ảnh, địa chỉ, số điện thoại…)
  • Dạy bảo mật thông tin cá nhân (mật khẩu, email, số điện thoại)
  • Dạy thêm một chút về sở hữu trí tuệ cũng được; cũng không cần nghiêm trọng quá, đơn giản là copy bài trên mạng về và nộp là sai luật rồi, sẽ bị phạt, bị cô giáo mắng đấy…

Nhóm coding

Đây là nhóm hơi sâu một chút rồi. Để dạy trẻ con nhóm này thì cần một số công cụ hỗ trợ. Đó là các phần mềm lập trình đơn giản, giao diện đẹp, dễ dùng hoặc dưới dạng Game. Tôi nghĩ tầm cuối lớp 1 là các cháu có thể nghịch được rồi. Các bác đừng nghĩ là con tôi có học công nghệ đâu hay con gái thì học lập trình làm gì… Như thế hơi sai lầm chút vì mục đích của việc học coding ở giai đoạn này cũng giống như các cháu học toán thôi, đề giúp cho tư duy mạch lạc và logic chứ chả liên quan gì đến việc lựa chọn công việc sau này cả.

Dạy coding cho các cháu thì có mấy điểm sau:

  • Giới thiệu cho chúng nó biết lập trình có thể làm được những gì??? Chơi game nhoay nhoáy nhưng có biết tại sao lại game nó lại hay thế không?
  • Làm quen dần với các ngôn ngữ lập trình (Cái này thì tuỳ theo lứa tuổi mà giới thiệu: ScratchJR cho đội dưới 5 tuổi, Scracth cho đội 7 – 10 tuổi, Python cho đội lớn hơn nữa chẳng hạn…)
  • Làm quen dần với các thuật ngữ mà bất kì ngôn ngữ lập trình nào cũng sử dụng, chỉ là cú pháp hơi khác tí thôi
  • Hướng dẫn dùng một số ứng dụng/game thực hành lập trình được (Mindcraft hay Roblox – cái platform này thì tôi cũng chưa thử kĩ những nhìn một lượt thấy hay)

Việc hướng dẫn trẻ làm quen với nhóm này thì cũng cần bố mẹ đầu tư thời gian tí, nhất là ông bà bô không thạo IT. Nếu không có thời gian thì có thể đưa các cháu đến mấy trung tâm dạng Tech for Kids nhưng khá tốn kém với mất thời gian nữa. Có điều kiện thì nên còn không thì tự mò hoặc nhớ anh chị em cô dì chú bác thạo chút hướng dẫn cho mình rồi mình hướng dẫn lại cho con… hoặc đến nhờ tôi =)) Nói chung nhiều cách lắm, quan trọng là mình có thực sự muốn hướng dẫn con không thôi!

Vậy là đủ bốn nhóm rồi. Nói vậy thôi chứ như tôi, ngồi viết ra mấy việc này như đúng rồi nhưng cũng chưa hướng dẫn được hết cho các con theo những gì mình muốn và mình dự định. Một phần vì thời gian không nhiều – cả thời gian của bố mẹ và thời gian của các con; phần nữa vì nhiều khi cứ bị trôi đi, không bám được mục tiêu. Tuy nhiên, tôi thấy việc viết ra như thế này sẽ giúp mình định hướng rõ ràng hơn và lúc nào bị trôi đi có thể mở bài này ra xem lại rồi quay lại việc hướng dẫn các con. Tôi vẫn tin là với việc gì đó, khi mình có thể viết ra một cách mạch lạc thì mình sẽ có cơ hội hoàn thành được nó hơn là chỉ nghĩ trong đầu. Thế nên là tự nhiên sáng nay lại có thêm một bài câu view 😀 Một công đôi ba việc.

Anh em cuối tuần vui vẻ!!!!

Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2023.

Tham khảo: https://codakid.com/computer-basics-for-kids/