Người ta thường nói “Cả nhà quây quần bên mâm cơm chiều…” nhưng nhà tôi thì hơi ngược một chút. Bữa sáng mới là lúc gia đình nhỏ bé ngồi ăn cùng nhau. Hai đứa trẻ chỉ thích ăn sáng ở nhà. Đứa lớn bảo ở nhà ăn thoải mái, không phải chen nhau chỗ ngồi. Kể cũng đúng(!). Buổi trưa chúng ăn cơm ở trường còn hai vợ chồng tôi ăn ở cơ quan. Tối đến, bọn trẻ thường được ông bà cho ăn trước để học bài. Tôi và vợ đều về muộn mà có khi lại đi tiếp khách, liên hoan nên có khi cũng chẳng ăn cơm cùng nhau.
Đồ ăn sáng của chúng tôi, thực ra cũng không phong phú lắm. Quanh quẩn chỉ có: Phở bò (gà), bánh cuốn, mỳ tôm hoặc bánh ngọt (Trước đây có món cháo nhưng bọn trẻ ăn nhiều quá nên giờ chúng đình công, yêu cầu loại món đó ra khỏi thực đơn). Nếu tối hôm trước bọn trẻ không chọn sẵn một món chúng định ăn thì việc chọn gì cho bữa sáng hôm sau sẽ phục thuộc vào .. giờ tôi thức dậy. Nếu có đủ thời gian (khoảng 45’ cho buổi sáng) thì thực đơn sẽ là phở hoặc bánh cuốn vì tôi có thể đi xa một chút mua đồ. Tuy nhiên, nếu tôi thức dậy muộn hơn thì sẽ là bánh ngọt và sữa.
Tôi hiểu cảm giác của bọn trẻ khi bố mẹ hỏi: Các con muốn ăn gì? Một câu hỏi nghe rất “dân chủ” nhưng thực chất là đang đẩy việc đưa ra quyết định khó khăn cho bọn nhóc. Chúng mới ngủ dậy, ngái ngủ nên đâu có muốn ăn gì. Sở dĩ nói như vậy là vì hồi còn bé, mỗi lần được bố đưa đi học sớm, ông cũng thường hỏi tôi: Con muốn ăn gì? Tôi phải nghĩ ra món gì đó một cách nhanh chóng trước khi xe ông đưa tôi qua đoạn chợ cóc bán đồ ăn sáng. “Bánh mỳ bố ạ!” – Và thú thực, có đôi lần chiếc bánh mỳ đó đã mốc lên trong cặp vì tôi không ăn và cũng quên hẳn đi.
Việc chọn đồ ăn sáng thành ra lại cầu kỳ hơn chúng ta nghĩ. Tôi và vợ thỉnh thoảng lại trao đổi với nhau một cách nghiêm túc để nghĩ thêm món gì đó cho bọn trẻ và cho chúng tôi. Gần đây là món bánh bao. Buổi sáng đi ra chợ mua một chiếc bánh bao thì đơn giản nhưng bánh ở đó không ngon. Thực sự là không ngon! Nếu muốn ăn món này thì phải nhờ bà nội bọn trẻ mua trên phố hoặc mua trong siêu thị để sáng hấp lại.
Có lẽ vợ chồng tôi sẽ còn phải trao đổi nhiều nhiều nữa cho đến khi bọn trẻ tự lo được bữa sáng hoặc ít nhất là tự quyết định được bữa sáng của mình. Tuy nhiên, có một món ăn mà chúng tôi gần như không bao giờ phải đắn đo quá nhiều khi chọn. Món bún cá ở gần cơ quan tôi – Trường đại học Hà Nội. Tôi cũng không nhớ lần đầu tiên hai vợ chồng ăn món ấy ở quán ấy từ khi nào nhưng tôi nhớ rất rõ, có những tuần chúng tôi ăn tới bốn lượt do bọn trẻ được nghỉ học, ăn sáng bên ông bà ngoại. Nhà tôi thường gọi hai bát: một bát ít bún nhiều cá cho vợ tôi, một bát nhiều bún vừa cá cho tôi. Nói thật là khi đang viết những dòng này, tôi vẫn cảm nhận được cái vị chua chua, thanh thanh mà đậm đà của bát bún cá đó ở đầu lưỡi. Nhất là vào những buổi sáng thứ Bảy, khi chúng tôi không vội vàng, hối hả. Hai vợ chồng gọi một cốc trà quất của bà lão bán nước bên cạnh, rồi chờ anh chủ quán bê hai bát bún khói bay nghi ngút ra. Nhấp môi ngụm trà quất ngọt ngọt, chua chua để “tẩy vị” rồi nhỏ vài giọt ớt trưng vào bát bún; vớt từng miếng cá ròn rụm ăn lẫn với thìa bún trắng đục… Đã lắm!
Nhưng rồi có những hôm, do không đủ thời gian nên vợ tôi không cùng tôi qua trường ăn bún cá được. Tôi, hoặc nhoáng nhoàng ăn vội thứ quà gì đó, hoặc một mình ngồi ăn bún cá. Bát bún vẫn thế, vẫn cá rán vàng, vẫn bún trắng đục và vẫn trà quất đưa vị. Vẫn rất ngon nhưng không đã! Tôi nhận ra rằng tôi ăn sáng chứ không phải thưởng thức bữa sáng như vẫn thường làm cùng vợ vào một buổi sáng Thứ Bảy nào đó…
Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2019