Đây không phải là một câu hỏi! Đó là một câu kể hay có khi là một câu cảm khi tôi nhìn lại con đường mình đã đi qua và chuẩn bị bước tiếp trên con đường phía trước.

Mỗi người đều có những nhu cầu trong cuộc sống về sức khoẻ, tiền bạc, con cái, vật chất, tình cảm… Ta sẽ thấy rất thoải mái khi nhu cầu đó được đáp ứng đầy đủ. Nhưng, như thế nào là đủ, như thế nào để cảm thấy thoải mái thì “đủ” của tôi khác với anh và không giống của chị…

Nhu cầu về sức khoẻ là thứ lạ lùng. Ta luôn thấy đủ cho đến khi ta thiếu – tức là lúc bị ốm đau, bệnh tật. Khi khoẻ mạnh, thức khuya một tí, cố sức một tí hay bỏ một vài bữa cũng không thấy ảnh hưởng lắm. Thế rồi mỗi ngày một chút, những cái “một tí” ấy gom lại thành thói quen và làm cho ta không còn khoẻ mạnh nữa. Thế nên, có lẽ với sức khoẻ, ta nên tính xa một chút để tích góp nhiều hơn nhu cầu ta cần ở hiện tại. Nói là nói thế nhưng rất khó để thực hiện, để thay đổi những thứ đã trở thành thói quen.

Nói về tiền bạc, nhu cầu này hơi ngược với sức khoẻ. Ít khi có cảm giác đầy đủ. Anh kiếm được 10 triệu / tháng, anh sẽ có cảm giác mình sẽ đủ nếu kiếm được 15 hay 20 triệu. Và anh nghĩ là những người kiếm 50 hay 100 triệu một tháng sẽ cảm thấy “đầy đủ” lắm. Gió tầng nào, mây tầng ấy! Tôi nghĩ là họ cũng suy nghĩ giống anh thôi. Kiếm được nhiều thì nhu cầu tiêu cũng sẽ tăng cao. Thế nên với tiền bạc, tốt nhất là tiêu trong phạm vi mình kiếm được hoặc nếu có phải vay mượn thì cũng vay trong khả năng mình có thể chi trả để không bị “mệt” vì cảm giác thiếu tiền. Tôi cảm thấy đủ khi mua bán, chi tiêu cho các dịch vụ cơ bản, vật dụng thiết yếu mà không phải cân nhắc về giá tiền. Vậy thôi.

Những thứ vật chất, tài sản khác thì rất khó nói như thế nào là đủ. Khi đi xe đạp thì người ta ước gì có cái xe máy đi cho nhanh chóng, thuận tiện. Lúc ngồi xe máy thì lại muốn có chiếc ô tô tránh mưa tránh nắng. Thế rồi khi không còn bị nắng mưa nữa thì lại muốn phải rộng rãi, an toàn… Những mong muốn đó chẳng có gì sai vì nó theo đúng cái thuyết tháp nhu cầu gì đó. Thế nhưng sẽ ra sao nếu những mong muốn đó cứ đến mà khả năng của người ta không thể theo kịp? Đó lại là điều không hay. Rất không hay! Khi người ta quên đi cái mong muốn ban đầu, mãi chạy theo những nhu cầu xa vời. Chẳng bao giờ được thoả mãn, cũng có nghĩa là chẳng bao giờ thoải mái. Tôi luôn cố gắng tận hưởng hết những thứ mình đang có mang lại cho mình trước khi hướng tới một mong muốn xa hơn. Tôi đã đọc ở đâu đó rằng: những thứ mình muốn chưa hẳn là những thứ mình cần… – ngẫm ra cũng không sai!

Về chuyện con cái thì sao? Có bao nhiêu con là đủ? Không biết được. Sinh thành và nuôi dưỡng những đứa con có lẽ là thành tựu to lớn nhất của mỗi người. Nếu coi mỗi đứa trẻ được sinh ra, nuôi dưỡng đến khi trưởng thành là một “dự án” thì mỗi dự án đó kéo dài ít nhất 18 năm; phải đầu tư biết bao tình yêu thương, công sức và cả tiền bạc. Mà lạ thay, ta đầu tư vô điều kiện, không điều khoản; chỉ với một mong mỏi là con cái sẽ khoẻ mạnh, trưởng thành và hạnh phúc. Vậy thì hỏi lại, đời người làm mấy “dự án” như vậy thì đủ? Rõ rồi, ta thấy đủ khi ta còn sức để triển khai thành công các dự án đó. Tôi nghĩ vậy!

Lật qua lật lại những nhu cầu, những mong ước thì thấy nhiều lắm. Mỗi thứ lại có những “ngưỡng” khác nhau để ta biết điểm dừng. Không phải là dừng cố gắng, dừng nỗ lực mà dừng để nhìn lại những gì mình đang có, để nâng niu, trân trọng và tận hưởng cho bằng hết; để không phung phí, không mơ mộng viển vông về những thứ xa vời.

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2022.