Buổi tối, ngồi cùng mấy anh em ở công ty, lấy lý do sinh nhật tháng nhưng cũng là để chia tay một cậu em sang công ty mới. Trên đường về, cảm xúc lẫn lộn nên muốn viết ra để cho những suy nghĩ trở nên rõ ràng, ngăn nắp… Câu chuyện của anh thầy giáo!
Đến năm nay (2021) là tròn 10 năm tôi làm giáo viên và 11 năm làm trong doanh nghiệp. Bước dài, bước ngắn nhưng tôi luôn đi bằng “2 chân” trong suốt thời gian ấy. Có điều thú vị là qua mỗi giai đoạn, mục đích giúp tôi đi thăng bằng trên cả 2 chân cũng thay đổi theo thời gian. Tôi tạm chia nó thành mấy quãng như thế này.
Tôi vẫn nhớ khi là sinh viên năm cuối, tôi được một anh bạn dìu dắt, cho đi thực tập và làm bán thời gian ở công ty hiện tại. Thời điểm đó, tôi chỉ tập trung học hành để hoàn thành chương trình học, rồi làm việc hăng say để tích lũy kinh nghiệm. Anh định hướng cho tôi và hướng tôi tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu song song với công việc bán thời gian ở vị trí lập trình và phân tích nghiệp vụ. Khi ấy, tôi suy nghĩ đơn giản, chỉ thấy là nếu đi dạy thì thời gian trống hơi nhiều, làm thêm một hai công việc cũng tốt. Lúc ra trường, tôi làm một lúc 3 công việc: Vừa trợ giảng, vừa làm ở một công ty start-up, vừa làm bán thời gian ở công ty hiện tại.
Quãng đường đó kéo dài khoảng 2 năm, đến khi tôi lập gia đình và có con gái đầu lòng, tôi quyết định dừng công việc ở công ty Start-up để tập trung vào giảng dạy và công ty đang làm bán thời gian. Tôi chính thức chỉ đi bằng 2 chân và mục tiêu khi ấy là: Đi làm để có thêm trải nghiệm mang về đi dạy; đi dạy sẽ nghiên cứu, tìm tòi để áp dụng vào công việc đi làm. Trong khoảng 3 năm tiếp theo, tôi luôn lấy mục tiêu đó để cân bằng giữa 2 công việc. Ngoài ra, làm 2 công việc một lúc cũng giảm bớt áp lực về kinh tế. Nhưng rồi cái cán cân thăng bằng ấy bắt đầu “nghiêng ngả” khi mọi việc dần trở nên … ổn hơn. Nghe thì có vẻ mâu thuẫn nhưng quả đúng là như vậy.
Khi tôi trở thành trưởng bộ phận ở doanh nghiệp thì áp lực bắt đầu dồn lên mặt cân bên này. Tôi phải dành nhiều thời gian hơn cho các dự án, phải họp hành nhiều hơn. Rồi đó cũng là lúc tôi được bổ nhiệm phụ trách một bộ môn ở Khoa. Như vậy, tôi không chỉ phải hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy mà còn phải đảm bảo chất lượng chuyên môn của cả một bộ môn. Giai đoạn này áp lực công việc thực sự đè nặng và đã hơn một lần tôi nghĩ đến việc phải chọn một trong hai bên. Rất may mắn, thời điểm đó tôi nhận được nhiều sự ủng hộ từ cả 2 chỗ làm để tôi có thể duy trì được cán cân sự nghiệp. Đầu tiên là chị sếp ở công ty. Khi tôi nói suy nghĩ về dự định tập trung về một mối của mình, chính chị là người đã khuyên tôi nên tiếp tục giảng dạy. Chị bảo rằng có thể giờ em thấy vất vả, khó khăn và bị lung lay nhưng sau này em sẽ thấy được giá trị của công việc ấy. Ngày trước, chị cũng “suýt” trở thành giáo viên nên chị khuyên tôi như vậy. Còn ở trường, thầy tôi cũng luôn động viên tôi duy trì mô hình ấy vì không phải ai cũng có cơ hội được làm việc ở cả hai môi trường như vậy. Cuối cùng là vợ tôi – người luôn ủng hộ tôi dù tôi chọn bên nào. “Em luôn ủng hộ lựa chọn của anh, miễn là anh thấy thoải mái”. Tôi vẫn nhớ rõ câu nói ấy khi hai vợ chồng tâm sự. Có lẽ đây là giai đoạn khó khăn nhất trong con đường sự nghiệp của tôi tính đến hiện tại nhưng cũng chính là quãng thời gian tôi rèn luyện được khả năng sắp xếp thời gian, công việc và chịu đựng áp lực. Thế rồi nó cũng qua khi tôi được tin tưởng bổ nhiệm vị trí cao hơn nữa ở công ty và hoàn toàn tự tin với vị trí quản lý chuyên môn ở trường. Tôi có nhiều thời gian hơn để bao quát công việc, để rèn luyện về chuyên môn, kĩ năng quản lý.
Đến lúc này, mục đích “đi bằng 2 chân” lại có chút thay đổi. Tôi thấy rằng mô hình này không chỉ giúp cho cá nhân tôi mà còn có lợi cho cả sinh viên của tôi và các dự án của công ty khi tôi nhận chính những sinh viên mình giảng dạy vào công ty của mình thực tập. Rõ ràng là khoảng thời gian ngồi trên giảng đường vẫn chưa đủ cho các em sinh viên có một hành trang vững vàng để “ra khơi”. Tôi dành thời gian phỏng vấn, nói chuyện và định hướng cho các em về công việc trong tương lai. Do nguồn lực và quỹ thời gian cũng hạn chế nên mỗi năm tôi chỉ có thể tuyển 5-6 sinh viên thực tập tại công ty. Các em sẽ dành khoảng 4 tháng để thực tập, học việc rồi sau đó làm việc như một nhân viên chính thức. Khi đã cứng cáp, có những em sẽ tìm cho mình một công việc phù hợp hơn, có những em vẫn tiếp tục gắn bó với tôi trong những dự án tiếp theo. Cứ như thế, tôi đều đặn làm công việc của một người thầy, một người anh, một người “hướng dẫn viên” để những học trò – đồng nghiệp của tôi ngày càng trưởng thành…
Tối nay chia tay cậu em cuối cùng của một dự án lớn, kéo dài 2 năm, nên cũng có nhiều cảm xúc. Nhưng thực ra, tôi đã quen với việc này và cảm thấy ở một góc độ nào đó, công việc mình làm cũng có ý nghĩa và không chỉ đem lại giá trị cho bản mình. Như vậy có lẽ tạm gọi là thành công…
Dear Sir,
Fortunately, I read your post via a group at Hanu school. I’m a senior in FIT department. I have
no experience about BA occupation and I’m not good at code. So I wonder whether I can apply
for BA ?
Hi Daisy,
It depends. To become an BA, you needs knowledge and soft skills.
You should try to explore things.
Best regards,
Tuanvm