Cuối tuần trước, lúc chuẩn bị rời văn phòng về nhà, tôi vô tình thấy trên kệ một cuốn sách liên quan đến lĩnh vực đang định đầu tư thời gian tìm hiểu. Tiện tay, rút mượn cho vào cặp, mang về đọc cuối tuần. Cái sự mượn sách ấy tự nhiên lại làm tôi nảy ra mấy ý tưởng cùng với vài trăn trở…

Tôi trăn trở về cái sự đọc của mình!

Thú thực, từ bé đến giờ, số quyển sách tôi đọc được may ra thì đếm đủ ngón của 2 bàn tay. Tôi có thể kể lại rành mạch lại “bối cảnh” đọc của từng quyển vì quả thật, chúng chẳng có bao nhiêu. Cuốn sách tôi đọc nhiều lần nhất là tập Truyện ngắn chọn lọc của Nam Cao. Đây là cuốn sách bố tôi mua tặng trong một lần đi nhà sách trên phố. Tôi cũng không nhớ chính xác là năm lớp mấy mà chỉ nhớ là đã đọc đi đọc lại từng câu chuyện trong tuyển tập đó vài chục lần. Tôi không nói sai, vài chục lần có thừa. Tôi đọc vì tôi thích cách hành văn, cốt truyện, câu cú của tác giả. Có lẽ, cũng do hồi đó không có Youtube hay Tiktok để “cày view” nên tôi mới đọc kĩ như vậy.  Khi cuốn sách đã cũ mèm, tôi chuyển sang một cuốn mới – Truyện ngắn chọn lọc của Nguyễn Công Hoan. Tôi cũng đọc đi đọc lại để xem cách viết của 2 cụ khác và giống nhau như thế nào?!

Mấy năm cấp 3 rồi vào đại học, tôi chả đọc hết một cuốn sách nào (Tất nhiên, không tính đến sách giáo khoa và giáo trình). Cái sự đọc của tôi bắt đầu khởi sắc chút chút từ khi tôi đi làm. Tôi nhận thấy quanh mình mọi người đọc “ghê quá” – cho dù chả hiểu đọc để làm gì – tôi nghĩ vậy. Và tôi hành động: mua ngay cho mình một cái Kindle. Đúng là một mục đich cao cả! Hẳn là mua máy đọc sách cơ mà. Nhưng cái mục đích ấy ban đầu nó cao cả bao nhiêu thì sau đó nó lại… thâm thấp bấy nhiêu. Tôi nhớ là đọc trọn vẹn được bộ Tây du kí trên cái thiết bị hiện đại đó rồi bán tháo cho một anh zai ở phố Láng Hạ – lỗ 500 nghìn. Sau vụ đó, tôi quên hẳn cái sự nghiệp đọc sách của mình đi. Nhưng lâu lâu lại thấy có gì đó không ổn khi mà quanh tôi vẫn là những người rất ham đọc. Anh Big Boss (đến tận bây giờ) vẫn đều đặn gửi một vài quyển sách anh thấy hay để chúng tôi đọc và nói là đọc để mà học, nhiều thứ hay lắm. Trong số sách anh gửi, tôi đã mua bộ Vua bán lẻ (3 tập) nhưng mới đọc được một nửa tập thì lại bị ai mượn mất và không thấy trả lại. Nhân đây, cũng nhắn với bạn nào đã mượn hai tập còn lại của bộ sách thì trả lại giùm tôi… Có một cô đồng nghiệp thấy bảo nằm trong top 5% những người đọc nhiều nhất hành tinh này, rồi anh sếp cũ – đọc mọi thứ trên đời. Tôi vẫn không tìm thấy động lực cho việc đọc nhưng tôi nhận ra một điều, kiến thức của những người ấy ở trên tầm cái thằng lười đọc như tôi rất nhiều. Tôi lờ mờ thấy mình đã thiếu hay chính xác hơn là đã không hình thành được một thói quen rất hữu ích: đọc sách.

Từ khi nhận ra điều ấy, tôi bắt đầu cố gắng để cái thiện bản thân và hình thành thói quen. Nhưng, vẫn là cái chữ nhưng quen thuộc, việc hình thành thói quen đọc và điều chỉnh để nó thực sự có ý nghĩa với mình thật sự không dễ dàng. Tôi thấy việc đọc khó hơn việc viết khá nhiều. Khi viết, ngắn dài, ý tưởng là do cái đầu tôi nó điều khiển, viết đến đâu là do ý thích của tôi, chả can hệ đến ai. Nhưng đọc thì lại khác! Tôi phải theo cái mạch của tác giả. Nhiều khi muốn dừng lại vì mỏi mắt, vì buồn ngủ nhưng tác giả… không cho. Thế nên tôi chọn cho mình vài quyển sách kinh điển nhưng ngăn ngắn thôi. Cuốn Nhà giả kim tôi đọc trong 3 – 4 ngày nhân dịp đi trông thi Đại học ở một vùng quê xa. Buổi sáng dậy sớm, ngồi tranh thủ đọc trước khi xe của trường đến đón, buổi chiều trông thi về cũng ngồi thư thả đọc. Thế là hết một cuốn sách nữa. Đọc cũng thấy hay nhưng không để lại gì nhiều trong tôi. Những cuốn sách xây dựng bản thân như Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi mà vui sống, rồi Một đời thương thuyết tôi cũng đọc qua, học được vài điều, coi như cũng là tích lũy thêm lý thuyết, có cơ hội sẽ áp dụng, thực hành (nếu nhớ ra) – có thời gian tôi sẽ quay lại đọc một vài lần nữa.

Dạo gần đây, tôi phát hiện ra một hình thức đọc mới: Sách nói. Tôi mua được một kho sách nói đến 2-300GB tương đương với cả trăm cuốn sách với rất nhiều thể loại. Tôi thường nghe khi lái xe trên đường. Trong số sách đó, tôi nghe được 5 cuốn. Đầu tiên là tiểu thuyết Bố giả của tác giá Mario Puzo. Tôi nghe đi nghe lại khoảng 15 lần cuồn này. Thuộc từng chi tiết, từng hành động của các nhân vật. Ban đầu, chỉ nghe như xem phim giải trí vì nội dung cuốn tiểu thuyết thực sự rất “cuốn”. Nhưng khi nghe đến lần thứ 9, thứ 10 thì ngẫm ra rất nhiều điều tác giả ẩn sau những tình tiết ấy (hoặc do mình tự suy diễn ra). Cuốn thứ 2 là tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Cơ bản là tôi thích dòng văn trào phúng của các cụ nên cũng nghe đi nghe lại gần chục lần. Ba cuốn tiếp theo nằm trong Se-ri về tài chính của Robert Kiyosaki. Tập 1 giải thích cơ bản về các khái niệm tài chính, nghe đến đâu thấm đến đấy, thấy rất thú vị vì mình bị hổng kiến thức mảng này. Tập 2 bắt đầu nói về vốn và cách sử dụng vống – thấy cũng gật gù, hiểu hiểu. Tập 3 hướng dẫn về đầu tư, rất cố gắng để nghe trọn vẹn. Tập 4 bắt đầu thấy lòng vòng, nhiều thứ nghe không hiểu lắm, nhắc đi nhắc lại một vài vấn đề nên là … thôi. Tôi tạm dừng se-ri “Giàu – Nghèo” ở đây để tập trung đi cày.

Lan man một hồi để thấy là sách thì nhiều, nhiều vô kể nhưng làm sao để đọc và để thấm nhưng thứ mình đọc không hề đơn giản. Không phải cứ cầm cuốn sách lên, đọc từ đầu đến cuối là sẽ tạo được thói quen đọc sách. Nghiệm từ bản thân, tôi có thể đọc đi đọc lại những thứ thôi thích cả chục lần nhưng sẵn sàng lướt qua những thứ mình không có hứng thú hoặc chưa đủ tầm để hứng thú. Quay lại với cuốn sách tôi mới mượn ở văn phòng về cuối tuần trước, tôi đã đọc hết rồi. Ý tưởng của tôi là sẽ thử tóm tắt lại cuốn sách đó và những cuốn sách khác tôi đã đọc qua thành một bài viết vừa đủ để: một là, bản thân tôi sẽ thêm một lần nữa, ngấm hơn những gì mình đã đọc; hai là, chia sẻ với những ai quan tâm đến lĩnh vực đó nhưng chưa có thời gian để đọc hết một cuốn sách thì đọc phần tóm tắt của tôi. Biết đâu, từ những tóm tắt đó, lại khơi gợi được cái sự ham đọc của một kẻ lười đọc giống tôi. Và hơn nữa, tôi muốn sau này khi ba đứa nhóc nhà tôi đọc được những dòng này, chúng sẽ biết là ông bố của chúng đã vật vã như thế nào khi cố xây dựng một thói quen mà lẽ ra nên được hình thành từ khi còn là một đứa trẻ!

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2021.