Buổi tối ngồi trên giường nhìn “gái nhỏ” tập đi, cố gắng nhấc từng bước, từng bước chập chững, tôi chợt nghĩ đến cái sự học – một cái sự rất thường nhưng lại là đại sự của đời người. Đây là bài viết khai bút đầu xuân 2022, tôi dành để tự ngẫm lại việc học của bản thân và tự điều chỉnh chứ không có ý chia sẻ kinh nghiệm hay hướng dẫn ai làm theo.

Tại sao phải học?

Hồi còn nhỏ, như đa phần những đứa trẻ khác, tôi không biết hoặc rất mơ hồ về việc tại sao mình lại phải đi học. “Học để sau này giàu có, học để sau nên người, học để sau này có công ăn việc làm…”  – đó những câu nói người lớn hay nói khi muốn lũ trẻ tập trung vào việc học hành nhưng đúng là rất mơ hồ. Với tôi, mọi thứ chỉ trở nên rõ ràng hơn khi bước vào Đại học. Vài thứ tôi học trước đó bắt đầu phát huy tác dụng, nhất là ngoại ngữ, văn học và một chút toán (những thứ khác đến giờ vẫn không biết học để làm gì?!!). Lúc đó, tôi biết rằng những thứ tôi sắp học sẽ giúp tôi có một cái nghề mà biết đâu đấy, cái nghề ấy sẽ giúp tôi “giàu có” hay “nên người”. Xâu chuỗi lại thì rõ ràng việc đi học ngày xưa cũng có lý vì ít ai bước thẳng lên Đại học mà không qua lớp phổ thông cơ bản. Do đó, đến đây thì chắc chúng ta đã phần nào thấy được lý do của việc học. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một lý do rất nhỏ và thiển cận cho cái sự học. Đến sau này, khi không còn học ở trường lớp nữa, tôi mới thấy được lý do xa xôi và ý nghĩa hơn của học hành nhưng cũng chưa chắc đây đã là lý do cuối cùng cho việc ấy.

Học như thế nào?

Nhìn lại thì đúng là người ta phải học liên tục một thứ gì đó từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi. Dù ở lứa tuổi nào vẫn luôn có một vài thứ phù hợp để ta nối tiếp cái sự học. Nói như vậy để thấy là không phải học để trở thành ông tiến sĩ, ông giáo sư… thì mới là học. Mọi việc ta làm hàng ngày, tưởng như đơn giản mà cũng do học mà có. Nói đâu xa, cái sự ăn uống thường nhật thôi mà một đứa trẻ cũng mất vài năm để học cách ăn cho… giống người. Rồi sau lại còn ăn kiểu Tây, kiểu Tàu; ăn sao cho lịch sự, đẳng cấp… Rất lắm chuyện quanh mỗi cái sự ăn uống ấy. Đều là học cả đấy. Anh công nhân vặn cái ốc vít, xì một mối hàn; cô thợ may đi một đường khâu – nhìn cứ dễ ợt nhưng thử mó tay vào làm xem? Đừng đùa, cũng tốn nhiền mồ hôi công sức mà học cả đấy.

Có rất nhiều thứ phải học và cũng có nhiều cách để học. Tôi thì thấy cách học dễ nhất là cắp sách đến trường, đến lớp mà học. Đó là cách dễ nhất nhưng không có nghĩa là hiệu quả nhất. Học Đại học xong, tôi đi làm một thời gian rồi sau đó học Thạc sĩ, Tiến sĩ. Nhưng thỉnh thoảng, lại có giai đoạn tôi rơi vào trạng thái mơ hồ như hồi học phổ thông với câu hỏi “mình học cái đó để làm gì?”. Và thực tế, mỗi khi câu hỏi đó xuất hiện thì việc học của tôi không hiệu quả. Chỉ khi nào câu hỏi đó được trả lời một cách tường minh, mạch lạc thì mọi việc mới trở lại với quỹ đạo bình thường. Tức là với bản thân tôi, việc học chỉ thực sự hiệu quả khi đáp ứng được 2 yêu cầu: Có mục đích rõ ràng và lý thuyết phải đi cùng với thực tế. Đây chính là lý do tại sao tôi nói việc đến trường để học là dễ nhất nhưng chưa chắc đã là hiệu quả nhất. Đơn giản vì ở trường lớp thì lý thuyết rất sẵn và rất nhiều nên việc dạy không có gì là khó khăn cả nhưng làm sao để biến những lý thuyết đó thành thực tế, áp thẳng vào vấn đề mình đã cần mới là điều quyết định tính hiệu quả của việc học. Vì vậy, việc học từ thực tế, từ những trải nghiệm tuy có khó khăn, mất nhiều thời gian hơn nhưng tính về hiệu quả thì lại hơn hẳn. Thực ra, để mà so sánh giữ 2 cách học trên thì sẽ chẳng bao giờ có kết luận cuối cùng. Quan trọng là ta phù hợp với cách nào? Học từ lý thuyết hay qua thực tế. Tôi đã thử bắt đầu với lý thuyết nhưng thấy cách đó mông lung quá nên thường tự mày mò với thực tế, đến khi nào mắc thì mới tìm lại lý thuyết xem người ta xử lý vấn đề đó như thế nào để đem ra áp dụng. Cách làm này cũng được tôi sử dụng khi đứng lớp giảng dạy cho sinh viên. Tôi thường lướt nhanh một lượt các kiến thức cơ bản, để các em thực hành sau đó mới quay lại nói kĩ hơn về những phần chuyên sâu.

Nhìn lại quãng đường từ khi học xong Đại học đến bây giờ, tôi thấy mình cũng học thêm được nhiều điều nhưng với tốc độ tương đối chậm. Có thể do mình không chủ tâm học tập trung một vấn đề gì đó mà hầu hết học bằng cách xem lại và rút kinh nghiệm những gì mình đã làm để lần sau làm tốt hơn hoặc ít nhất không làm sai như trước nữa. Theo tôi cách học này là hơi thụ động và cần thay đổi một chút để có thể tích cực thu nhặt được nhiều kiến thức, kĩ năng mới thay vì cứ chờ kinh nghiệm “kết tủa” theo thời gian. Đây chính là điều tôi muốn dặn mình để thay đổi bản thân khi bước sang một năm mới.

Rồi có học tiếp không?

Dòng tựa đề trên tôi viết trước khi khai triển những ý của phần 2 nên tự nhiên thấy nó ngờ nghệch và buồn cười. Câu trả lời thì chắc mọi người cũng đều rõ rồi. Có học tiếp không? Có chứ! Nếu không tiếp tục học, nếu không chủ động học lấy một cài gì đó để đảm bảo cái sự học hành được liên tục thì có nghĩa là mình đang tự đóng khung mình lại để tách dần ra khỏi cái thế giới đang thay đổi từng phút từng giây này.

Rõ ràng, học tiếp để thích nghi mới là lý do thực sự cho việc học!.

Hà Nội, ngày 05 tháng 2 năm 2022.