Trong công việc và cuộc sống hàng ngày, ta liên tục phải đưa ra những câu trả lời Có hoặc Không. Rất ngắn gọn – chỉ là Có hoặc Không nhưng những câu chuyện đằng sau những câu trả lời ấy có nhiều chuyện để bàn. Ý tôi là Có thể và Không thể…!
Một thói quen
Nói thực là trước đây tôi không quan tâm việc này lắm vì bản chất, nó là một điều rất bình thường, hiển nhiên trong cuộc sống của mỗi người khi ai đó nói Có thể và Không thể làm gì đó. Nó tự nhiên như việc bạn hít thở, uống cốc nước hay ăn chiếc bánh. Nhưng vài năm trở lại đây, khi công việc xuất hiện nhiều câu hỏi “Có thể không? Có làm được không?…” nhiều hơn thì tôi nhận ra rằng cái sự “tự nhiên” đó tạo ra cho chúng ta một thói quen hay chính xác hơn là một phản xạ không điều kiện khi đưa ra quyết định. Sẽ rất ổn nếu đó là một thói quen tốt, mang lại những kết quả tích cực cho công việc nhưng cũng rất tệ nếu thói quen đó ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường xung quanh. Đơn giản, bạn cứ tưởng tượng một đứa trẻ đang rất hào hứng hỏi cha mẹ mình rằng liệu tuần tới khi năm học kết thúc, chúng có thể được đi du lịch xa đâu đó không? Rồi rất tự nhiên bạn trả lời “Không thể” vì tình hình bệnh dịch đang rất căng thẳng. Điều này sẽ gây tụt cảm xúc ghê gớm. Ở đây, chúng ta không mong đợi một câu trả lời “Có” để đánh lừa lũ trẻ nhưng tại sao không phải là một gợi ý để giảm bớt sự hụt hẫng như “Bố nghĩ là hơi mạo hiểm khi chúng ta đi chơi xa – đi bằng máy bay nhưng một chuyến đi gần hơn bằng xe gia đình thì các con thấy sao? Như vậy vẫn vui mà lại an toàn trong mùa dịch?”. Tất nhiên, tôi đang đưa là một tình huống đơn giản nhất để có thể chuyển hướng dễ dàng nhưng không có nghĩa là thực tế không diễn ra theo cách như vậy…
Những việc khó
Sau hơn chục năm làm việc, tôi chưa thấy có điều gì là dễ dàng. Những việc dễ, cơ bản là những người giỏi, những người thức thời hơn mình đã làm xong hoặc đang làm rất tốt rồi. Chỉ còn những việc khó hoặc những việc rất khó sẽ còn lại khá nhiều để những ai làm chậm hơn xử lý nốt. Mà với con người, chúng ta có xu hướng trả lời “Không” cho những việc gây khó khăn cho ta. (Tôi chẳng cần dẫn chứng nghiên cứu hay bài viết khoa học nào ở đây cả. Điều đó rất hiển nhiên vì nó xuất phát từ bản năng và xu hướng tránh xa những điều nguy hiểm tồn tại trong gen của giống loài). Dần dần, khi việc nói “Không thể” trở nên thường xuyên hơn thì bộ não siêu việt của chúng ta sẽ thích ứng bằng cách thực hiện hành vi tiếp nhận thông tin có lựa chọn. Tức là nó sẽ lọc toàn những thông tin liên quan đến việc “Không thể” hay dễ hiểu hơn là nó có xu hướng khép các vấn đề vào hướng “Không thể” (Điều này thì tôi vừa chiêm nghiệm và vừa đọc một số tài liệu liên quan. Và tôi thấy nó đúng!). Như vậy, nếu quanh ta toàn là việc khó rồi ta lại dần hình thành phản xạ nói “Không thể” với việc khó thì chuyện gì sẽ xảy ra? Xung quanh bạn sẽ có một khối “tiêu cực” bao vây. Không ít thì nhiều, chắc chắn nó sẽ kéo lùi tinh thần chiến đấu của chính bạn và những người xung quanh.
Có một dự án tôi làm cách đây vài năm – một dự án càng làm càng thấy khó. Và đỉnh điểm là mọi việc gần như bế tắc, chậm tiến độ đến gần nửa năm do công nghệ lựa chọn không đáp ứng được nhu cầu dự án nhưng cả team dự án và các bạn đối tác đều rất quyết tâm, không làm được theo phướng án ban đầu thì xoay sở đủ hướng để xử lý. Điều tuyệt vời nhất là khi thử đến phương án cuối cùng thì lại ổn. Khả năng đáp ứng đạt tới 80% (theo tôi đánh giá). Sau dự án đó, cái niềm tin của tôi về việc: không có gì là tuyệt đối “Không thể” lại tăng lên đáng kể. Trong cuộc sống hàng ngày, cũng có vài sự kiện giúp tôi củng cố niềm tin này. Một trong số đó là câu chuyện của chính vợ chồng tôi. Việc tỏ tình rồi bị từ chối cũng là bình thường nhưng tỏ tình rồi bị từ chối tới 3 lần với cùng một người thì tôi cho là cần sự cố gắng rất nhiều. Vẫn là suy nghĩ không có gì là tuyệt đối “Không thể” – mỗi năm tôi làm việc ấy một lần, làm theo cách khác nhau và đến lần thứ 3 thì tôi có bạn gái rồi sau đó lấy luôn cô bạn ấy, sinh 3 đứa nhóc, đánh dấu cho 3 lần tỏ tình.
Thay lời kết
Những gì tôi viết chỉ để ghi lại những cảm nhận của bản thân và chia sẻ suy nghĩ. Tôi không có ý rằng ta phải nói “Có thể” với mọi việc. Công việc cơ bản là khó khăn và có những điều là “Không thể” thực sự nhưng ý tôi là nên chăng ta tiếp cận theo hướng “Có thể” đến mức độ nào. Tôi vẫn không tin là có điều gì đó tuyệt đối “Không thể”! Khi một yêu cầu đưa ra, nếu không đáp ứng hay thực hiện được 100% thì ta cũng có thể làm gì đó tới 60-70% thậm chí chỉ 30% thôi cũng đã là xóa đi cái giới hạn “Không thể” rồi. Có thể tôi là một người lạc quan quá mức nhưng như vậy có khi cuộc sống lại dễ chịu hơn vì cơ bản, quanh ta toàn những điều khó…
Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2021.