Tôi đang nói đến việc con cái ở chung hay ở riêng với bố mẹ sau khi đã kết hôn. Việc này quả thực tốn nhiều thì giờ để suy ngẫm, trăn trở và quyết định với bất kỳ ai, nhất là người chồng – người con trai, nhân vật chính trong hoàn cảnh. Chỉ suy từ câu chuyện của tôi, dù rằng nó không mấy li kì nhưng cũng đã có rất nhiều thứ để bàn…

Khi ta bé

Tôi có một tuổi thơ êm đềm. Khẳng định như vậy vì tôi thấy nó … êm đềm thực sự. Sơ lược như thế này. Từ khi tôi biết nhớ cho đến lúc đi học vỡ lòng, tôi ở cùng mẹ và ông bà ngoại. Bố tôi đi làm xa, cuối tuần ông mới về. Cho đến năm học lớp 2, nhà tôi chuyền lên Hà Nội. Một cái tên tôi đã được nghe rất nhiều nhưng chưa từng được ghé qua. Và rồi, tôi gắn bó với cái tên ấy đến nay đã hơn 20 năm. Tôi lớn lên, tôi đi học, tôi đi làm rồi yêu đương… đều gắn bó với ngôi nhà trong ngõ nhỏ mà bố tôi được cơ quan phân cho. Trong căn nhà đó, anh em chúng luôn là trung tâm. Chúng tôi đã trải qua đầy đủ những cảm xúc, tình cảm của một gia đình nhỏ hạnh phúc. Nghĩa là có buồn vui, có quát mắng, có cưng nựng, có xa cách, có gần gũi, có mong đợi, có sẻ chia…

Nha nho trong ngo

Ngôi nhà tuổi thơ

Gia đình tôi khi đó hoạt động theo mô hình rất “điển hình”. Bố tôi là chủ gia đình. Mọi quyết định (vừa và lớn) là do ông đưa ra nhưng để có được các quyết định đó, ông trao đổi với mẹ, ông hỏi ý kiến bà nội và đôi khi tham khảo ý kiến của anh em tôi. Tôi nghĩ cách tổ chức như vậy ổn và sau này tôi cũng bị ảnh hưởng bởi mô hình đó. Mọi việc trong gia đình tôi vẫn rất suôn sẻ ngay cả khi tôi lấy vợ. Những ngày đầu có thêm thành viên mới trong gia đình, không có quá nhiều thứ thay đổi. Nhưng…

Khi ta trưởng thành

Như tôi đã nói, mọi việc trong gia đình tôi vẫn rất suôn sẻ ngay cả khi tôi lấy vợ. Vì thực ra, vợ tôi rất “ngoan”. Tôi cho ngoặc kép để nhấn mạnh là vợ tôi ngoan theo đúng nghĩa của từ ấy chứ không phải chơi chữ. Thế nên, nếu gia đình của tôi cứ vận hành theo lỗi cũ thì chắc cũng chẳng hề gì nhưng vẫn đề nằm ở tôi. Và đúng hơn là suy nghĩ của tôi.

Tôi bị (hay được) ảnh hưởng bởi hình mẫu của bố tôi (Tôi có cải tiến đi một chút nhưng cơ bản là tôi hay bắt chước ông). Ông là chủ gia đình và tôi cũng muốn như vậy. Vấn đề là một gia đình không thể có 2 chủ gia đình. Nếu ý kiến của bố tôi và của tôi giống nhau thì chẳng có gì để nói nhưng nếu không thì sao? Thì rầy rà to.

Tôi nghe theo ông thì tôi sẽ ấm ức; tôi cãi ông thì cái mô hình trước giờ đang êm đẹp sẽ hỏng bét. Mà có phải một chốc một lát đâu. Đây là gia đình. Chúng ta gặp nhau, nói chuyện với nhau hàng ngày, các quyết định được đưa ra liên tục. Thiếu gì lúc bất đồng quan điểm. Cứ dồn nén, tích tụ như vậy chắc chắn là không ổn. Đó là lý do đầu tiên khiên tôi nghĩ rằng tôi sẽ phải có một gia đình riêng của mình để tôi có thể đưa là những quyết định chính dựa trên những trao đổi, thống nhất của hai vợ chồng và đôi khi “tham khảo” ý kiến của hai nhóc tì, giống như bố tôi đã làm.

Ngoài ra, còn một vài lý do khác dẫn cổ suý cho suy nghĩ phải có một gia đình riêng và một chỗ ở riêng của tôi. Là vợ tôi và mẹ tôi. “Mẹ chồng nàng dâu” không phải là vấn đề của gia đình tôi. Bởi vì vợ tôi ngoan và mẹ tôi cũng khá thoải mái. Bà hay nói nhưng là nói thẳng, không hay để ý và để bụng. Nhưng sẽ là vấn đề nếu như những thứ nhỏ nhặt cứ dồn lại ngày qua ngày. Chả ai có thể đảm bảo 100% là hai người ấy không có những bất đồng nho nhỏ. Nho nhỏ rồi sẽ to to và cái thằng tôi sẽ phải là người đứng ở giữ để giải quyết. Những việc đó sẽ không có nếu chúng tôi ở riêng. Mẹ tôi sẽ toàn quyền đưa ra quyết định với “hậu cung” của bà còn vợ tôi cũng sẽ bắt đầu phải tập để quản lý “hậu cung” của riêng mình. Như thế chả phải tốt đẹp mọi bề hay sao?!

Ta ra ở riêng

Cái sự ra ở riêng của tôi nó cũng đến rất từ từ và tình cờ. Chúng tôi vẫn ở nhà bố mẹ tôi cho đến khi con gái đầu lòng của tôi được 6 tháng. Chúng tôi chuyển sang nhà ông bà ngoại để bà trông con tôi cho vợ tôi đi làm. Trong thời gian ở bên nhà ngoại, tình cờ có một người đồng nghiệp của vợ tôi rủ làm hồ sơ mua nhà ở xã hội. Ra ở riêng à? Mua nhà à? Không lẽ lại như thế hay sao? Vợ chồng tôi bàn bạc, dú dẩm với nhau cả tháng trời. Bộ hồ sơ đăng ký nâng lên, đặt xuống không dưới ba lần. Thế rồi lại còn ông bà hai bên khuyên can. Cái khu chúng tôi định mua cách chỗ ở hiện tại 25 km. Nó xa. Thực sự rất xa.

Tôi xin đặt một cái dấu ba chấm ở đây vì thành thực tôi cũng không hiểu hai vợ chồng đã tính toan rồi thuyết phục như thế nào mà ông bà hai bên lại đồng ý với phương án mua nhà của chúng tôi. Lúc đó, cái ước muốn có một ngôi nhà riêng, một gia đình của riêng mình chắc hẳn nó mạnh mẽ ghê gớm lắm. Tôi sẽ dành riêng một vài bài viết về việc chúng tôi đi mua nhà; thực sự có quá nhiều cảm xúc. Còn bây giờ tôi chỉ xin tóm tắt lại như vậy để ta cùng hiểu các bước đường tôi ra ở riêng như thế nào.

Căn nhà mơ ước

Khi ngôi nhà hoàn thành, chúng tôi đã được toại nguyện việc ra ở riêng. Nó đúng như những gì chúng tôi tưởng tượng mặc dù có phần khó khăn hơn. Ngày hai vợ chồng và cô con gái đầu lòng chuyển sang căn nhà mới, ai cũng mừng và… ái ngại cho chúng tôi. Nhưng tôi thực sự vui và biết rằng mình đã quyết định đúng khi nghe bố đẻ tôi và bố vợ tôi nói chuyện với nhau như thế này: “Thôi mừng cho chúng nó ông ạ. Kệ chúng nó. Giờ chúng nó lớn rồi, có gia đình riêng rồi, chúng nó tự lo. Mình giúp được gì thì giúp thôi…”

Thế rồi sau một năm rưỡi ở riêng trong căn nhà mơ ước, chúng tôi có thêm một cậu con trai.

Rồi chúng ta bán nhà

Lý do chính là có một số thay đổi nên chúng tôi không thể xoay sở được với quãng đường quá xa và hai đứa nhóc được. Lúc đó tôi có nhiều sự lựa chọn sau khi đã được trải nghiệm việc ở riêng. Tôi có thể quay về nhà bố mẹ tôi, hoặc sang nhà bố mẹ vợ cũng không sao. Như thế tiết kiệm được nhiều khoản mà không phài lo nghĩ gì về nhiều nợ nần (Giai đoạn đó, vợ chồng tôi cũng khá chật vật với khoản nợ của căn nhà mới). Nhưng còn gia đình riêng của tôi? Nó sẽ ra sao? Và chúng tôi chọn phương án vay thêm một ít nữa để mua một căn nhà ở gần nhà ông bà ngoại – không quá xa nhà ông bà nội. Vợ chồng tôi khi đó cho rằng phương án đó là đúng đắn lắm. Vẫn được ở gần ông bà hai bên mà lại vẫn có một gia đình riêng.

Đến giờ, đã ba cái Tết chúng tôi ở ngôi nhà thứ 2 rồi. So với nhiều gia đình khác thì vợ chồng tôi đúng là may mắn và thuận lợi hơn nhiều khi được ông bà ủng hộ và hỗ trợ hết mức để có thể “ra ở riêng”. Nhưng tôi nghĩ, nếu như vợ chồng tôi không quyết tâm, không khao khát câu chuyện ấy và không … liều thì chưa chắc cái ước mơ nhỏ bé về một gia đình riêng đã trở thành hiện thực. Tôi vẫn cười trừ khi ai đó trêu đùa “ở riêng như nhà mày, tao cũng ở được…”.

“Ừ, ở đi!”.

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2019

P/S: Câu chuyện này được đăng lên khi căn nhà thứ hai đã là “nhà của người ta” rồi. Tôi vẫn đang viết dở về cuộc hành trình đến với tổ chim thứ 3 của chúng tôi. Chắc hẹn một hôm khác…