Chiều thứ 7, rời văn phòng sớm một chút – trên đường về lẩm nhẩm vô thức theo cái list nhạc tự bật. “Mày sẽ không biết mày may mắn tới cỡ nào cho tới khi mày hiểu được sự nhẹ nhõm của một cái thở phào” – Một triệu like của Đen. Câu hát của cậu ca sĩ ấy chợt làm tôi nhớ đến những cái thở phào mà mình đã trải qua. Cái cảm giác chẳng thể mô tả được bằng lời… Tôi đang định viết về “cái thở phào” của những dự án mình từng tham gia.
Gia nhập vào thị trường lao động được khoảng hơn 10 năm nhưng số dự án tôi làm chắc cũng chỉ bằng số đấy. Tức là mỗi năm làm 1, 2 dự án, còn đâu là vận hành và giảng dạy. Nhưng mỗi dự án đều để lại – không ít thì nhiều – những cảm xúc và kinh nghiệm đáng nhớ mà nhớ nhất luôn là những khoảnh khắc căng thẳng lên đến đỉnh điểm rồi “thở phào” kết thúc.
Dự án đầu tiên tôi tham gia với vai trò PM kiêm BA là dự án làm cho một cơ quan thuộc Bộ Y tế. Quy mô vừa phải nhưng thông tin thì cực kì nhạy cảm. Dự án này thì nút thắt không nằm ở việc phát triển sản phẩm mà lại là khâu đào tạo sau triển khai vì người dùng ở các tỉnh thành trên cả nước chứ không tập trung ở một địa điểm. Công ty nhỏ, mới thành lập, nhân sự thì mỏng! PM có hẳn … gần 1 năm kinh nghiệm. Lúc đó, sếp tôi – cũng là thầy tôi, đã dùng hết quan hệ tác động, nhờ hỗ trợ để có thể chuyển hình thức đào tạo từ on-site sang tập trung tại Hà Nội. Đó là một phương án điều chỉnh rất sáng cho dự án nhưng cũng chính là áp lực dồn lên cái thằng tôi – PM dự án. Tôi sẽ phải tổ chức toàn bộ việc đào tạo, ăn ở, nghỉ ngơi cho gần trăm con người, toàn bác sĩ, cán bộ y tế trong 2 – 3 ngày gì đó. Đặt phòng đào tạo, liên hệ nhà nghỉ, khách sạn, lên khung đào tạo, chuẩn bị giáo trình rồi đứng lớp… Giờ nghĩ lại, tôi cũng không hiểu lúc đó mình cùng mấy anh em trong team dự án đã xoay sở kiểu gì vì thực sự tôi chỉ vừa mới ra trường 1 năm; việc gì hầu như cũng là làm lần đầu! Tôi nhớ như in, sau buổi đào tạo cuối cùng, tiễn đoàn cán bộ trở về địa phương, tôi nhắn cho thầy tôi: Xong rồi thầy ạ! Ôi cái cảm giác ấy nó nhẹ nhõm và dễ chịu thực sự. Tôi đâu biết rằng đó mới chỉ là khởi đầu cho một chuỗi những cung bậc cảm xúc trên con đường làm dự án sau này mà đến tận bây giờ tôi vẫn đang “tận hưởng”.
Dự án tiếp theo để lại dấu ấn trong tôi cũng cách đây khoảng 8 năm, sau khi tôi chuyển từ công ty của thầy sang công ty hiện tại. Dự án xây dựng một chuỗi của hàng kinh doanh phụ kiện điện thoại. Vâng, hẳn là một ông kĩ sư công nghệ thông tin đi setup cửa hàng bán phụ kiện điện thoại. Nói thể để mọi người hiểu là lúc đó tôi hoang mang như thế nào nhưng tất nhiên, tôi vẫn làm! Để nhớ lại, cái checklist công việc sẽ là: tìm địa điểm thuê cửa hàng, liên hệ hãng, nhà cung cấp để tìm nguồn hàng, tuyển nhân sự bán hàng, lập kế một phần kế hoạch kinh doanh, tài chính, tìm thợ thiết kế nội thất, trông thợ sửa cửa hàng, làm giấy tờ, quy trình nội bộ… Hai năm trước, trong dự án với bộ Y tế, có nhiều việc tôi làm lần đầu nhưng ít nhất tôi còn được học trước đó. Còn bây giờ, độ khó nó lên tầm khác rồi. Tất cả là mới tinh – tình – tình. À, nhưng điểm nhấn của dự án này lại rất thú vị – bị đòi nợ. Có thể nói đấy là lần đầu tôi làm kinh doanh và lần đầu bị đòi nợ nhiều đến như thế – nhất là từ ông chủ cho thuê cửa hàng. Tiền nhà hồi đó tôi trả theo tháng nhưng vì quy trình của công ty phải qua nhiều bước xin duyệt, rồi cân dòng tiền nên thường bị chậm. Đến kì trả tiền là ông chú gọi cho tôi ngày 3 lần: sáng – trưa – tối. Lúc đó với tôi, cảm giác không khác gì đang bị khủng bố. Tôi không thể tập trung vào việc gì được ngoài việc làm sao lo được thủ tục trả tiền cho ông chú. Cái thở phào của tôi lúc đó là khi được cấp tiền để thanh toán cho chủ nhà. Nghe có vẻ hèn hèn nhưng đúng là như vậy. Thở hắt ra thực sự. Sau này, khi dừng dự án, tôi có ngồi với chị sếp hỏi chị: Sao chị cứ để ông ấy giục em thế? Mình không thiếu tiền mà? Đến lúc ấy tôi mới biết, tôi đang được rèn rũa để chịu được áp lực của những phút 89 như vậy; bởi vì sau đó những dự án tôi tham gia nó không còn ở mức nhỏ nhắn, xinh xắn nữa mà nhân lên cả chục, cả trăm lần, cả về giá trị và quy mô.
Sau này, các dự án tôi tham gia đều có một vài điểm mà chúng tôi hay gọi là “phút 89” thậm chí là “phút 90++”. Khi thì là một bảo lãnh bổ sung vào phút chót trước giờ ngân hàng cut-off, lúc lại là đàm phán thủ tục và chạy đua với thời gian cuối tuần để up kênh cho một chi nhánh ngân hàng kịp khai trương vào đầu tuần rồi có lúc hot-fix sai lệch số liệu khi số đang nhảy từng giây; có lúc là những ngày-đêm không chợp mắt để kịp Go Live hệ thống… Tất cả những giây phút ấy, ngoài việc làm ta tăng nguy cơ đau dạ dày thì đều mang lại một thứ cảm giác rất lạ và có khả năng gây nghiện. Nhưng điều đáng nói là ta không phải chịu đựng sự căng thẳng ấy một mình, ta cũng không keo kiệt giữ cảm giác phê pha, nhẹ nhõm khi thở phào ra một mình mà bên cạnh ta luôn có những người đồng hành, những anh chị em đồng nghiệp sẵn sàng chiến đầu cùng ta dù biết rõ là sau phút 90++ ấy có thể không phải là Cúp vàng mà sẽ phải ngậm ngùi đi vào phòng thay đồ; đằng sau ta có những người thầy, người anh, người chị biết dù biết trước kết quả nhưng vẫn đặt cửa cho ta…
Hà Nội ngày 10/7/2021